Mục lục
Lọc kỹ nước cấp vào ao
Trong nước tự nhiên có thể tồn tại nhiều loại mầm bệnh, trứng cá tạp, ấu trùng giáp xác… Những sinh vật này có khả năng theo dòng nước và sinh trưởng, phát triển trong ao. Nhiều loài như cá rô phi có khả năng sinh sản rất nhanh trong ao. Chúng sẽ tranh giành thức ăn với cá nuôi. Một số loại cá dữ như cá quả/cá lóc khi lọt vào ao có thể ăn thịt cá nuôi và sinh sản trong ao. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng lượng thức ăn cần cung cấp cho ao nuôi. Do đó, cần lọc qua lưới lọc khi lấy nước vào ao.Đây là cách để loại bỏ trứng, ấu trùng của các sinh vật này.
Kiểm soát chất lượng nước
Chất lượng của môi trường nước ảnh hưởng nhiều đến việc bắt mồi. Đồng thời ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa thức ăn, tốc độ tăng trưởng cũng như tình trạng sức khỏe của cá. Do vậy cần lựa chọn nguồn nước cấp có chất lượng tốt cho ao nuôi. Đối với việc nuôi cá lồng, việc tự kiểm soát chất lượng nước ở lồng nuôi là điều không thể. Việc này phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng nước chung của vị trí đặt lồng. Do đó, cần chọn vị trí đặt lồng ở những nơi có nguồn nước trong sạch, nước lưu thông thường xuyên. Đồng thời không bị ảnh hưởng bởi các nguồn nước thải sinh hoạt và công nghiệp.
Bên cạnh đó, cần sắp xếp khoảng cách giữa các lồng hợp lý. Việc thường xuyên vệ sinh lồng bè cũng cần lưu ý… Những việc trên hằm đảm bảo nguồn nước chảy qua lồng bè nuôi được sạch sẽ và thông thoáng. Trong quá trình nuôi, cần thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước như nhiệt độ, ôxy, pH, ammonia…. Việc làm này nhằm có biện pháp điều chỉnh kịp thời. Khi thời tiết xấu, nước chuyển màu xanh (thể hiện tình trạng phú dưỡng) có nguy cơ thiếu ôxy. Vì vậy, cần bật máy bơm, quạt nước tạo dòng để tăng hàm lượng ôxy hòa tan trong nước.
Chống nóng, rét cho cá khi khí hậu thay đổi
Khi thời tiết nắng nóng hay trời rét, nhiệt độ môi trường thay đổi đột ngột. Đây là yếu tố có thể gây phát sinh dịch bệnh. Người nuôi cần áp dụng các giải pháp chống nóng, chống rét cho cá một cách chủ động và thực hiện tốt quy trình kỹ thuật. Đồng thời phải có chế độ quản lý chăm sóc phù hợp để cá nuôi sinh trưởng, phát triển tốt. Thường xuyên treo túi vôi, túi thuốc tại vị trí cho cá ăn, ở đầu lồng nuôi. Cac mầm bệnh trong môi trường nước sẽ bị tiêu diệt. Việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước nuôi, hạn chế bệnh tật, giúp cá khỏe mạnh, tiêu hóa tốt, tăng trưởng nhanh góp phần giảm chi phí thức ăn.
Kiểm soát chất lượng con giống giúp giảm chi phí thức ăn
Chọn được cá giống tốt, khỏe mạnh sẽ giúp sinh trưởng nhanh, có khả năng chống chịu với dịch bệnh cao, hệ số tiêu hóa thức ăn giảm. Cá giống có chất lượng di truyền kém như cá bị cận huyết, dị tật, cá được sinh ra từ nguồn cá bố mẹ già kém chất lượng hay cá bị nhiễm bệnh sẽ sinh trưởng chậm. Đây là nguyên nhân làm cho tốn thức ăn và khiến cho thời gian nuôi kéo dài.
Bên cạnh đó, kỹ thuật sản xuất giống sẽ ảnh hưởng đến chất lượng trứng, ấu trùng cũng như cá giống. Đó là kỹ thuật nuôi vỗ, mật độ nuôi, chế độ dinh dưỡng của cá bố mẹ. Do đó, cần lựa chọn cá có nguồn gốc rõ ràng, bố mẹ có chất lượng tốt. Cá khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, kích cỡ đồng đều, không dị tật.
Lựa chọn đúng chủng loại thức ăn là biện pháp giảm chi phí thiết thực
Mỗi loài cá và giai đoạn nuôi khác nhau có nhu cầu về đạm, lipid, khoáng, axit amin… khác nhau. Chất lượng thức ăn ảnh hưởng đến rất nhiều khía cạnh. Đó là chất lượng nước ao nuôi, sức đề kháng và sinh trưởng của cá. Loại thức ăn ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng và hệ số chuyển đổi thức ăn. Tỷ lệ tiêu hóa thức ăn của cá phụ thuộc vào đặc điểm tiêu hóa riêng của từng loài. Vì vậy, cần lựa chọn loại thức ăn có hàm lượng đạm, lipid, axit amin, khoáng… và kích cỡ phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của cá.
Sử dụng thức ăn chuyên biệt được sản xuất riêng cho từng giai đoạn nuôi. Việc này giúp cá có thể hấp thụ được dinh dưỡng tốt nhất. Đồng thời giúp cá có khả năng tiêu hóa tối ưu, từ đó giảm hệ số tiêu tốn thức ăn và giúp giảm chi phí thức ăn.
Cho ăn đúng liều lượng tránh lãng phí thức ăn
Một yếu tố quan trọng giúp giảm hệ số tiêu hóa thức ăn là cho cá ăn đúng cách. Căn cứ vào nhu cầu dinh dưỡng, yếu tố thời tiết, môi trường để tính toán lượng thức ăn, số lần cho ăn và thời điểm cho ăn phù hợp. Thức ăn sẽ bị lãng phí nếu cho cá với lượng thức ăn dư thừa so với nhu cầu. Đồng thời, thức ăn thừa không kịp phân hủy khiến môi trường nước bị ô nhiễm. Vào những ngày nắng nóng hay lạnh, nhiệt độ thay đổi đột ngột, cá sẽ giảm ăn. Do vậy có thể linh hoạt giảm lượng thức ăn cho cá bằng 70 – 80% lượng thức ăn hàng ngày.
Hàng ngày, cần theo dõi điều kiện môi trường nước, tình trạng sức khỏe của cá và dùng sàng cho ăn để kiểm tra lượng thức ăn cá sử dụng. Đây là phương pháp để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Cho ăn không đúng cách, cho ăn quá thừa làm chi phí thức ăn tăng.
Nâng cao sức đề kháng cho cá giúp giảm chi phí đầu tư thức ăn
Cá khỏe mạnh sẽ bắt mồi nhanh, ăn nhiều, lớn nhanh làm hệ số tiêu hóa thức ăn giảm. Do vậy, nên bổ sung thêm theo định kỳ các chất bổ sung thức ăn như: Vitamin C bổ sung cho cá với lượng 2 – 3 g/kg thức ăn/ngày nhằm tăng cường sức đề kháng và khả năng chịu đựng với sự thay đổi của môi trường cho cá.
Bên cạnh đó, bổ sung thêm khoáng, men tiêu hóa, chế phẩm sinh học trong suốt quá trình nuôi cá. Cá nuôi sẽ tăng cường khả năng tiêu hóa, tăng cường sự miễn dịch và khỏe mạnh. Sản phẩm sử dụng phải có nhãn hàng hóa đầy đủ theo quy định về ghi nhãn hàng hóa và được bảo quản theo hướng dẫn ghi trên nhãn hàng hóa. Cách dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý nhà nước. Không được sử dụng các sản phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc nằm trong danh mục cấm.
Trích dẫn: thuysanvietnam.com.vn