Vải là cây có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, vải thiều được trồng nhiều ở Hải Dương và Bắc Giang cho năng suất cao suốt nhiều năm qua. Đây được xem là giải pháp tăng trưởng kinh tế của người dân ở nhiều khu vực. Tuy nhiên, nếu áp dụng đúng kỹ thuật trồng cây và có quy trình chăm sóc vải thiều hợp lý, bà con nông dân có thể trồng chúng ở mọi nơi trên đất nước với mức năng suất cao nhất. Dưới đây là một số tư vấn cho bà con có được kỹ thuật trồng vải thiều cho năng suất cao.
Mục lục
Tiêu Chuẩn Chọn Giống
Cây giống trồng theo tiêu chuẩn ngành 10 TCN – 2001. Cụ thể: cây giống nhân bằng phương pháp ghép được trồng trong túi bầu polietylen có kích thước tối thiểu. Đường kính x chiều cao là 10 x 22cm. Cây giống phải có sức tiếp hợp tốt. Cành ghép và gốc ghép phát triển đều nhau. Phần vết ghép đã được tháo bỏ hoàn toàn dây ghép. Có bộ rễ phát triển tốt, sinh trưởng khoẻ. Không mang theo những loại sâu bệnh nguy hiểm. Có đường kính gốc ghép cách mặt đất 2 cm là 0,8 – 1 cm. Đường kính cành ghép từ 0,5 – 0,7cm. Chiều dài cành ghép từ 30 – 40 cm và có từ 2 – 3 cành cấp 1 trở lên.
Thời Vụ và Mật Độ Trồng:
Vải thiều có thể trồng được quanh năm. Nhưng có 2 thời điểm trồng thích hợp nhất là vụ xuân tháng 2 – 4 và vụ thu tháng 8 – 10 dương lịch. Tuỳ thuộc vào giống, độ màu mỡ của đất đai, điều kiện khí hậu cũng như khả năng thâm canh, mức độ đầu tư mà xác định mật độ trồng và khoảng cách trồng vải thiều Thanh Hà hợp lý. Khoảng cách trồng vải thích hợp là 7m x 7m hoặc 8m x 8m (mật độ 205 cây và 156 cây/ha). Trong điều kiện thâm canh cao, có thể trồng với khoảng cách 3m x 4m hay 4m x 6m (mật độ 832 cây và 416 cây/ha), oặc trồng với mật độ trên nhưng đến khi giao tán cách 1 cây chặt bỏ 1 cây còn lại khoảng cách 4m x 6m hay 6m x 8m (mật độ 416 cây và 208 cây/ha) để khai thác tiềm năng cho sản lượng cao trong những năm đầu của chu kỳ kinh doanh do mật độ cao mang lại.
Làm Đất Và Đào Hố Trồng:
Đất được lên luống để dễ thoát nước chống ngập úng. Khi cần thiết phải xử lý các nguy cơ tiềm ẩn từ đất (dư lượng kim loại nặng, nitrate, xói mòn, ngập úng… ảnh hưởng đến cây trồng và sức khỏe người tiêu dùng), tổ chức và cá nhân SX phải được sự tư vấn của nhà chuyên môn và phải ghi chép, lưu trong hồ sơ các biện pháp xử lý. Trong vùng sản xuất vải thiều Thanh Hà hạn chế chăn thả vật nuôi gây ô nhiễm nguồn đất, nước. Nếu bắt buộc phải chăn nuôi thì phải có chuồng trại và có biện pháp xử lý chất thải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và sản phẩm sau thu hoạch. – Đào hố trồng vải phải dựa trên nguyên tắc: đất xấu đào to, đất tốt đào nhỏ. Thông thường kích thước hố: dài x rộng x sâu là: 0,8cm x 0,80m x 0,6cm. Vùng đồi đất xấu cần đào hố to hơn, kích thước tương ứng là: 1m x 1m x 0,8m.
Phân Bón Lót:
Bón lót: cho 1 hố: 30-50 kg phân chuồng; 0,7-1,0 kg supe lân; 0,5 kg vôi bột. – Khi đào: để lớp đất mặt một bên, lớp đất dưới một bên. Lớp đất mặt trộn với toàn bộ lượng phân bón lót và lấp lên đến miệng hố. Lớp đất dưới đáy xếp thành vồng xung quanh hố. Công việc chuẩn bị hố trồng, bón lót được tiến hành trước khi trồng 1 tháng.
Kỹ Thuật Trồng Cây Vải Thiều:
Khơi một hố nhỏ chính giữa hố đào. Xé bỏ túi bầu và nhẹ nhàng đặt cây xuống hố. Đặt bầu cây giống vào sao cho cổ rễ bằng hoặc thấp hơn mặt đất 2 – 3 cm, lấp đất và dùng tay nén chặt xung quanh gốc. Cắm cọc và dùng dây mềm buộc cố định cây để tránh gió lay đứt rễ. Cần tủ gốc giữ ẩm cho cây sau khi trồng bằng rơm rạ hoặc cỏ khô rộng 0,8 – 1,0m; dày 7 – 15cm, cách gốc 5 – 10 cm. Vào mùa nắng nên dùng rơm rạ, cỏ khô, thân cây đậu đỗ… để tủ gốc giữ ẩm cho cây. Ngoài việc giữ ẩm cho cây biện pháp này còn giúp hạn chế sự phát triển của cỏ dại.
Chăm sóc cây vải thiều:
Tưới nước:
Sau trồng phải thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây chóng bén rễ.
Bón phân:
Ba năm đầu dùng nước phân pha loãng để tưới. Từ năm thứ 4 trở đi hàng năm bón cho mỗi cây 40-50 kg phân chuồng + 1,5 kg đạm urê + 2kg lân + 0,7 kg kali, chia làm 3 đợt để bón.
Đợt 1: Tháng 10-11, bón 100% phân chuồng + 40% lượng đạm + 40% lượng lân. Đợt 2: Tháng 12-1, bón thúc lúc phân hóa mầm Hoa, bón 40% lượng đạm+ 30% lượng lân + 40% lượng kali. Đợt 3: Tháng 3-4, bón hết số phân cần bón trong năm.
Áp dụng đúng kỹ thuật trồng cây vải thiều sẽ giúp đảm bảo năng suất chất lượng nông sản, hạn chế sâu bệnh
Đốn tỉa, tạo hình:
Ngay khi cây ở vườn ươm, tạo cho cây có một thân chính và 3 cành hướng về 3 phía. Hàng năm cắt bỏ cành tăm, cành vượt, cành sâu bệnh. Loại bớt cành vụ đông, chăm sóc, bảo vệ cành vụ thu và vụ xuân. Khi cây ra quả bói ( ra lứa hoa, quả đầu tiên) cần cắt bỏ cho cây khoẻ.
Phòng trừ sâu bệnh:
Bọ xít: Phát triển mạnh vào tháng 3-4 làm rụng quả. Dùng Drotox, Bi 58 nồng độ 0,1-0,7 %; Dipterex nồng độ 1% phun trừ bọ xít non. Hoặc chọn ngày tối trời rung cây, bọ xít rụng xuống bắt và diệt.
Sâu đục cành: sâu trưởng thành là loại xén tóc đẻ trứng lên cành, sâu non đục vào thân cành làm cành bị gẫy, khô. Dùng gai mây hoặc dây thép chọc vào lỗ trực tiếp diệt sâu. Dùng thuốc padan 15 SP, nồng độ 30-40gr/ 10 lít nước nhỏ vào lỗ sâu đục.
Nhện 4 chân: Miệng chích hút ở dưới mặt lá, xuất hiện những lông nhung màu đỏ, ngắt lá bị hại đem đốt hoặc dùng thuốc hoá học ortors nồng độ phun 0,05-0,1 %, Bi 58 nồng độ phun 0,1%.
Bảo quản, chế biến:
Để quả vào túi Pôlyetylen thủng, để ở nhiệt độ 7 độ C có thể giữ được 5 tuần. Nhìn chung bảo quản quả tươi đối với vải là rất khó. Hiện nay, người ta chế biến vải sấy khô, vải nước đường… đều có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao.
Nguồn: kythuatnuoitrong.edu.vn