Mục lục
Các yếu tố ảnh hưởng đến giai đoạn lột xác của tôm
Yếu tố dinh dưỡng là nguyên nhân chủ yếu
Thiếu dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho tôm khó lột xác. Vỏ sẽ không đủ chất dinh dưỡng để đầy khi tôm thiếu dinh dưỡng. Vậy nên vỏ không nứt ra để lột xác.
Khoáng chất ảnh hưởng đến giai đọan tôm lột xác
Cấu tạo vỏ của tôm chủ yếu được hình thành từ CaCO3, kèm theo một lượng ít (Mg), (P). Chất khoáng được tôm có thể hấp thu trực tiếp từ môi trường nước thông qua việc uống và hấp thụ qua mang. Do đó, trong quá trình lột xác của tôm, cần sử dụng khoáng trực tiếp vào trong nước để bù vào lượng khoáng bị mất đi là rất cần thiết.
Môi trường nuôi tôm
Môi trường nuôi không tốt sẽ gây ức chế các hoạt động của tôm. Do đó ảnh hưởng lớn đến quá trình lột xác của chúng. Vì vậy, các thông số môi trường cần được chủ động điều tiết, kể như: pH, độ kiềm, nhiệt độ, ôxy hòa tan,…
Do một số bệnh làm giai đoạn lột xác của tôm chậm lại
Trong quá trình nuôi tôm bị mắc một số bệnh như nấm, đóng rong, tôm còi… cũng khiến cho tôm chậm lột vỏ hoặc không thể lột vỏ.
Biện pháp chăm sóc tôm trong giai đoạn lột xác
Thức ăn cho tôm
Để tôm lột xác tốt cần cho tôm ăn đủ lượng thức ăn có hàm lượng đạm khoảng 32 – 45%.
Ôxy hòa tan
Trong quá trình lột xác, nhu cầu ôxy của tôm cao gấp đôi. Vì thế, khi thấy tôm có dấu hiệu chuẩn bị lột xác cần tăng cường quạt nước, sục khí để bổ sung hàm lượng ôxy hòa tan. Trong suốt quá trình lột xác của tôm, cần duy trì hàm lượng ôxy hòa tan trong khoảng 4 – 6 mg/l.
Độ mặn
Những ao nuôi tôm có độ mặn càng cao thì hàm lượng khoáng hòa tan có sẵn trong ao càng cao và ngược lại. Vì vậy, đối với những ao nuôi tôm có độ mặn thấp thì phải tăng cường việc bổ sung khoáng cho tôm. Tuy nhiên, nếu độ mặn tăng cao hơn 25‰, vỏ tôm thường dày và cứng, kéo dài thời gian lột xác của tôm. Người nuôi cần lưu ý để có những điều chỉnh phù hợp.
Điều chỉnh độ pH trong giai đoạn lột xác của tôm
Tôm lột xác khi pH đạt 7 – 8,5 và tốt nhất 7,5 – 8. Để ổn định pH cần duy trì độ trong của nước ao nuôi từ 30 – 40 cm. Nếu pH <7,5 cần bón vôi (CaCO3, Dolomite) với liều 10 – 20 kg/1.000 m3 nước; pH >8,5 thì sử dụng mật rỉ đường với lượng 3 kg/1.000 m3 kết hợp sử dụng vi sinh theo hướng dẫn nhà sản xuất tạt xuống ao nuôi.
Độ kiềm
Trong quá trình sinh trưởng, tôm cần rất nhiều khoáng. Do đó, nên cần duy trì độ kiềm từ 120 mg CaCO3/l trở lên. Có thể làm bằng cách sử dụng vôi CaCO3 hoặc Dolomite. Chủ động bổ sung một số chất cần thiết để tôm có thể tái tạo lớp vỏ mới như canxi, phốt pho, men kích thích, premix. Tôm nuôi thường lột xác vào ban đêm. Vì vậy nên bổ sung chất khoáng vào bữa ăn chiều cho tôm.
Quản lý sức khỏe
Khi lột xác tôm còn rất yếu và dễ nhiễm bệnh, người nuôi cần bổ sung thêm khoáng chất và Vitamin C để chăm sóc tôm khỏe mạnh. Đồng thời sử dụng thức ăn có chất lượng; của nhà sản xuất uy tín; đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho tôm. Trong suốt vụ nuôi cần định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản để xử lý các yếu tố ô nhiễm ao nuôi và kiểm soát sự phát triển của tảo độc. Ngoài ra, khi phát hiện tôm nuôi bị nhiễm nấm, đóng rong… phải can thiệp điều trị kịp thời để tôm hồi phục và lột xác. Người nuôi có thể sử dụng thêm một số loại thảo mộc như: rau sam, dâu tằm… để kích thích tôm lột xác, tăng năng suất một cách an toàn.
Tôm sinh trưởng bằng cách thay vỏ giáp cứng bằng vỏ giáp mới lớn hơn được hình thành bên dưới lớp cũ. Đây được gọi là quá trình lột xác hoặc lột lớp biểu bì bên ngoài. Dựa trên những thay đổi về hình thái, sinh lý và biểu bì, Drach (1939) đã chia chu kỳ lột xác thành bốn giai đoạn cơ bản được xác định là: postmolt (sau khi lột xác), intermolt (giữa các lần lột xác), premolt (trước khi lột xác) và molt (lột xác).