4 phút, 31 giây để đọc.
Những năm gần đây, do nhận thức được tác hại của thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng rau màu, người dân trồng rau đã có quyết định táo bạo đầu tư xây dựng nhà lưới sản xuất rau. Tuy nhiên, điều kiện khí hậu trồng trọt trong nhà kính khác với môi trường bên ngoài (thường cao hơn 1-2ºC). Vì vậy, để trồng được năng suất, chất lượng cao bà con cần lưu ý những kỹ thuật sau:
Mục lục
Khái niệm nhà lưới là gì?
Nhà lưới nông nghiệp là một dạng nhà có cấu tạo bằng kết cấu khung và bao xung quanh bằng các loại lưới được dùng để sản xuất trồng trọt ở bên trong.
Nhà lưới kín
- Gồm toàn bộ mái, xung quanh nhà được phủ bằng lưới, cửa ra vào được căng phủ bằng lưới. Khung nhà được làm bằng cột bê tông hoặc bằng khung sắt.
- Mái được thiết kế theo kiểu mái bằng hoặc mái nghiêng hai bên; có độ cao chỉ từ 2,0 – 3,9 m. Diện tích mỗi nhà lưới có thể từ 500 – 1.000 m2 theo từng điều kiện canh tác.
- Nhà lưới kín ngăn ngừa được côn trùng phá hoại và đẻ trứng, giảm tối đa lượng thuốc trừ sâu sử dụng, tăng độ an toàn cho nông sản, tăng thời vụ sản xuất, giảm xói mòn đất, giảm cường độ ánh sáng, trồng được rau trái vụ.
- Do thông gió kém, nếu không có thiết bị thông gió, về mùa nắng, nhiệt độ trong nhà lưới cao hơn ở ngoài 1- 2ºC sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.
Nhà lưới hở
- Nhà lưới chỉ được che chủ yếu trên mái hoặc một phần bao xung quanh. Nhà thiết kế rất đơn giản với kiểu mái bằng, mái nghiêng hai bên.; khung nhà có thể làm bằng cột bê tông, khung sắt, khung gỗ, cây gỗ chống và căng dây kẽm, dây cáp để giữ lưới.
- Sử dụng nhà lưới hở giúp giảm ánh sáng, hạn chế mưa xối trực tiếp, giảm sâu bệnh hại. Tuy nhiêm, không có tác dụng ngăn ngừa côn trùng.
Xây dựng nhà lưới
- Nhà lưới phải cao ráo. Chiều cao chỗ thấp nhất đảm bảo cao 2,5 m để cây trồng có khoảng không thông thoáng. Nhà lưới cần được chia ra từng khoang, có cửa đúp và giữ nhà lưới luôn kín nhằm quản lý sâu, bệnh tốt hơn.
- Lưới phủ cần phải chọn lưới có mắt nhỏ (kích thước 0,8 mm) để ngăn chặn các loài côn trùng chích hút như bọ phấn, bọ trĩ, ruồi vàng (là các loài sâu nguy hiểm trên họ bầu bí).
Làm đất, lên luống
- Đối với đất trồng phải chuẩn bị kỹ lưỡng đặc biệt là khâu làm đất. Xử lý đất trước trồng bằng cách cho ngập nước, bón vôi, phun thuốc trừ nấm hoặc sử dụng các chế phẩm nấm đối kháng, nấm cộng sinh.
- Luống đất phải được làm kỹ, đảo đều phân lót và san phẳng bề mặt. Chiều cao luống vừa phải 25 – 30 cm (tùy loại rau màu canh tác). Mặt luống không được nén chặt nếu gặp mưa lớn giữa vụ bề mặt chỗ lồi chỗ lõm thì cây trồng phát triển không đồng đều.
Mật độ trồng
- Nên gieo trồng với mật độ vừa phải, để cây phát triển thuận lợi, lấy ánh sáng tốt hơn trong điều kiện nhà lưới và hạn chế được nhiều nấm bệnh xâm nhập gây hại lá và thân.
Giảm nhiệt độ trong nhà lưới
- Khi nhiệt độ trong nhà lưới tăng hơn bên ngoài sẽ bất lợi cho rau màu, có thể gây nên hiện tượng héo do thoát hết hơi nước ở lá.
- Vì thế nên áp dụng phương pháp phun sương tự động để khắc phục tình trạng này; đặc biệt khi rau mới đem từ vườn ươm ra trồng trong nhà lưới.
Dinh dưỡng và tưới nước
- Khi sử dụng phân bón để cung cấp dinh dưỡng cho cây; cần phải ưu tiên sử dụng phân chuồng hoai mục có ủ nấm đối kháng Trichoderma hơn phân hóa học.
- Khi tưới nước nên áp dụng theo phương pháp tưới nhỏ giọt là tốt nhất. Nếu tưới phun mưa thì cần theo dõi ẩm độ để tưới lên thân lá cho phù hợp. Đây là khâu rất quan trọng vì nó liên quan đến sự sinh trưởng của cây và vi sinh vật gây bệnh thân, lá, rễ. Chỉ tưới phun mưa cho thân, lá khi cây có biểu hiện thiếu nước.
Bảo vệ thực vật
- Rau màu được trồng trong nhà lưới sẽ hạn chế được sự tấn công của nhiều sâu bệnh hại hơn so với trồng ngoài đồng ruộng. Song, trồng trong nhà lưới ẩm độ vụ xuân cao hơn bên ngoài nên phải phun thuốc phòng bệnh; cắt bỏ thường xuyên lá bị bệnh, lá già dưới gốc.
- Ưu tiên sử dụng các thuốc trừ sâu có nguồn gốc tự nhiên hay thảo dược (ớt, tỏi, hành, gừng…) vừa sạch, vừa an toàn cho sức khỏe con người.
- Nên phải tính toán chế độ luân canh thật tốt; nếu không sẽ dễ dàng phát sinh nấm bệnh như héo rũ; lỡ cổ rễ trên rau cải; phấn trắng trên rau màu…
Nguồn: khuyennongvn.gov.vn